Theo dõi và nhận biết phân khi trẻ đi ngoài để đảm bảo trẻ luôn khỏe mạnh

Phân của trẻ sẽ nói lên rất nhiều điều về tình trạng sức khoẻ của trẻ nói chung, và hệ tiêu hoá nói riêng. Bằng cách theo dõi tình trạng đi ngoài của trẻ, mẹ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của phân như trẻ đi ngoài quá nhiều hoặc quá ít, màu sắc, độ đặc… để có những xử trí tiếp theo một cách phù hợp nhất.

Phân của trẻ sẽ nói lên rất nhiều điều về tình trạng sức khoẻ của trẻ nói chung, và hệ tiêu hoá nói riêng. Bằng cách theo dõi tình trạng đi ngoài của trẻ, mẹ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của phân như trẻ đi ngoài quá nhiều hoặc quá ít, màu sắc, độ đặc… để có những xử trí tiếp theo một cách phù hợp nhất.

Bao lâu trẻ sẽ đi ngoài một lần?

Không có con số chính xác, nhưng với trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn và không ăn thức ăn đặc, trẻ có thể đi ngoài từ 4 lần/ngày hoặc nhiều hơn.

Có những trẻ khác thì đi ngoài 1 lần/ngày nhưng cũng có những trẻ đi ngoài chỉ 1 lần mỗi 6 – 7 ngày, mẹ cũng đừng lo lắng nếu phân vẫn mềm và trẻ vẫn tăng cân đều đặn.

Các kiểu phân của trẻ 0 – 1 tuổi

Phân trẻ sơ sinh

Khi mới chào đời, phân của trẻ có màu xanh đen, nhầy và dính được gọi là phân su. Phân su là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hoá của trẻ đã chính thức bắt đầu hoạt động bình thường.

Sau vài ngày, phân của trẻ sẽ bắt đầu thay đổi, màu xanh nhạt dần, chuyển sang màu vàng, nâu nhạt.

Phân màu xanh

Khi phân màu vàng hoặc nâu bị giữ lại trong ruột lâu, nó có thể chuyển sang màu xanh do bị oxy hóa. Ngoài ra, phân cũng có thể chuyển màu xanh do vi khuẩn trong ruột như E.coli. Đây là màu phân bình thường ở trẻ khỏe mạnh.

Phân có chấm trắng

Trẻ uống nhiều sữa mẹ thường có chấm trắng trong phân. Màu sắc của phân do sắc tố mật, muối mật quyết định. Nếu mật tiết ít thì phân có thể sẽ lẫn hạt trắng, đó là các hạt đạm sữa.

Phân có lẫn các mẩu thức ăn

Hiện tượng này xuất hiện khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Không phải mọi loại thức ăn đều được hệ tiêu hoá của trẻ “xử lý” triệt để. Đặc biệt đối với các loại thực phẩm giàu chất xơ, đôi khi mẹ sẽ thấy chúng xuất hiện nguyên vẹn trong tã. Điều này sẽ giảm dần khi hệ tiêu hoá của trẻ hoàn thiện hơn, nên mẹ không cần lo nhé!

Khi bắt đầu ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, phân của trẻ sẽ bắt đầu đặc hơn, màu đậm hơn và bắt đầu có mùi nặng hơn.

Những màu sắc phân mẹ cần phải đặc biệt lưu ý

Màu đen

Nếu mẹ thấy có màu đen lẫn trong phân của trẻ, đây rất có thể do một loại thức ăn trẻ ăn rất giàu sắt, hoặc vú của mẹ bị chảy máu nên trẻ đã tiêu hoá luôn lượng máu này lẫn trong sữa mẹ. Ngoài ra, cũng có thể phân đen là dấu hiệu của một bệnh lý hoặc tình trạng nguy hiểm như chảy máu đường tiêu hóa. Dù thế nào, nếu gặp tình trạng này, mẹ cũng hãy cảnh giác và xin ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để chắc chắn đây không phải là điều gì bất thường.

Màu đỏ

Nếu phân trẻ có màu đỏ do hôm trước có ăn cà chua, đây là điều bình thường.

Nhưng nếu phân đỏ lẫn máu, đây có thể là dấu hiệu trẻ đang bị nhiễm trùng.

Nếu trẻ đi phân màu đỏ, mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay để bác sỹ kịp thời xử trí cho trẻ, mẹ nhé!

Màu trắng

Phân nhạt màu, hơi trắng có thể là dấu hiệu của tắc ống dẫn mật.

Nếu trẻ đi ngoài phân nhạt màu, da và củng mạc mắt bị vàng, nước tiểu sẫm màu, mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để loại trừ viêm gan.

Những màu sắc phân trẻ mà mẹ cần lưu ý

Một số vấn đề thường gặp khi trẻ đi ngoài

Cũng như người lớn, trẻ cũng có thể gặp tình trạng tiêu chảy và táo bón.

Tiêu chảy

Mỗi trẻ có số lần đi ngoài khác nhau, tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài nhiều hơn 3 lần/ngày, phân lỏng hoặc tóe nước thì có thể trẻ đang bị tiêu chảy. Với những trẻ bú mẹ thì cần dựa vào sự tăng số lần đi đại tiện và tăng độ lỏng của phân để đánh giá tiêu chảy.

Một số nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy là:

  • Nhiễm trùng
  • Dị ứng với thức ăn
  • Phản ứng với thuốc

Nếu tiêu chảy không tự hết sau 24 giờ hoặc trẻ bị tiêu chảy kèm theo các triệu chứng như bé sốt cao , mẹ hãy cho trẻ đi khám ngay để bác sỹ kiểm tra và có biện pháp xử trí kịp thời cho trẻ.

Cách giữ vệ sinh để giảm nguy cơ trẻ bị tiêu chảy do nhiễm trùng

  • Rửa tay sạch sẽ trước khi cho trẻ bú.
  • Đảm bảo vệ sinh thức ăn và nguồn nước sạch cho trẻ.
  • Rửa tay trước và sau khi xử lý chất thải cho trẻ.

Táo bón

Những dấu hiệu trẻ của bạn có thể đang bị táo bón:

  • Trẻ của bạn có vẻ thực sự gặp khó khăn trong việc đại tiện.
  • Phân nhỏ và khô, giống như phân thỏ, hoặc ngược lại, lớn và cứng.
  • Trẻ có vẻ cáu gắt, căng thẳng và khóc khi đại tiện.
  • Bụng trẻ có cảm giác cứng khi sờ vào.
  • Phân trẻ có lẫn những sợi máu. Điều này là do những vết nứt trên da, gọi là vết nứt hậu môn, do phân cứng gây ra.

Hy vọng bài viết này có thể giải đáp cho mẹ những thắc mắc về tình trạng phân của trẻ. Chúc mẹ thật nhiều sức khỏe và hẹn gặp lại mẹ ở những bài viết sau.

5/5 - (1 bình chọn)