Giải đáp ý nghĩa tiếng khóc của trẻ nhỏ

Trong những năm tháng đầu đời, tiếng khóc được coi là cách để trẻ giao tiếp với bố mẹ của mình khi chưa biết nói. Thế nhưng để đoán ý trẻ qua tiếng khóc thì không phải bố mẹ nào cũng biết, đặc biệt là với các cặp bố mẹ lần đầu.

Vì vậy, Chuyên viên dinh dưỡng BebéCare xin “mách nhỏ” bố mẹ một vài cách phân biệt tiếng khóc cơ bản của trẻ dưới đây. Hi vọng sẽ giúp ích phần nào cho bố mẹ trong quá trình chăm sóc bé yêu của mình.

  • Khóc khi trẻ đói
    Khi trẻ đói tiếng khóc thường to, lặp đi lặp lại, thậm chí là gắt gỏng. Ngoài ra trẻ cũng có thể có các biểu hiện như miệng chóp chép, mút tay, dụi mặt vào ngực mẹ…Mẹ cần xem xét thời gian và lượng bú trước đó, nếu trẻ đã ăn được khoảng 2-3 tiếng hoặc lượng ăn trước đó chưa đủ thì nên cho trẻ bú tiếp.
  • Trẻ buồn ngủ
    Đối với người lớn và trẻ lớn, khi buồn ngủ thì có thể ngủ bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Nhưng với trẻ nhỏ thì khác, khi buồn ngủ chúng thường quấy khóc và gắt ngủ, lấy tay dụi mắt, gãi đầu gãi tai, ngáp, tiếng khóc nhỏ, ê a trong khi hai mắt nhắm lại…Nếu môi trường xung quanh quá ồn ào, trẻ có thể sẽ gắt gỏng và khóc to hơn.
    Lúc này để dỗ trẻ, mẹ chỉ cần ôm ấp vỗ về thì trẻ sẽ ngừng khóc và đi vào giấc ngủ.
  • Trẻ ốm
    Lúc này, nếu để ý mẹ sẽ thấy tiếng khóc của trẻ mệt mỏi hơn so với mọi khi, có thể kèm theo các biểu hiện bệnh như: sốt, chán ăn, khò khè, ngủ li bì hoặc khó ngủ, lượng nước tiểu ít….Mẹ hãy quan sát và cho trẻ đi khám bác sĩ nếu thấy cần thiết nhé.
  • Trẻ muốn được vỗ về, cưng nựng
    Nhiều bố mẹ nghĩ rằng việc bế và ôm ấp con quá nhiều rất dễ làm hư trẻ, tuy nhiên trong những tháng đầu đời trẻ rất cần sự âu yếm vỗ về của bố mẹ. Khi trẻ làm nũng muốn được ôm ấp, trẻ sẽ có các biểu hiện sau: lúc đầu tiếng khóc to, sang sảng, có hoặc không có nước mắt, tay chân múa may, nếu không ai để ý, một lát sau tiếng khóc sẽ nhỏ dần. Do vậy, mẹ hãy nhẹ nhàng ôm trẻ vào lòng và âu yếm nhé.

 

Bố mẹ cần phân biệt tiếng khóc của trẻ để nhận ra được mong muốn của con
  • Trẻ cảm thấy khó chịu
    Nếu con yêu đang vui vẻ bỗng trở lên im lặng, mếu máo hoặc khóc to thì mẹ nên kiểm tra bỉm cho trẻ. Nếu không phải do bỉm bẩn thì mẹ nên kiểm tra lại quần áo trẻ đang mặc để đảm bảo quần áo không gây ra sự khó chịu cho trẻ.
  • Trẻ khóc vì mọc răng
    Khi mọc răng, trẻ luôn có cảm giác đau đớn và khó chịu, quấy khóc nhiều. Các biểu hiện có thể nhận biết là lấy tay sờ vào lợi, cọ răng, gặm nhấm đồ vật, thích cho đồ vào miệng…thì rất có thể trẻ đang khó chịu vì mọc răng.
  • Trẻ khóc dạ đề
    Đối với những trẻ khoảng dưới 5 tháng tuổi, trẻ thường khóc không ngừng từ khoảng chiều tối đến nửa đêm mà mẹ không thể dỗ nín. Tuy nhiên, những thời gian khác trong ngày trẻ vẫn bú ngoan, ngủ tốt. Có rất nhiều yếu tố tác động như: trẻ mệt mỏi quá, đói quá, trẻ bị stress vì ba mẹ tranh cãi với nhau hoặc do trẻ phải chịu 1 áp lực thay đổi lớn từ môi trường trong bụng mẹ ra môi trường bên ngoài. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên mà không ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ.

Bố mẹ nên làm gì khi trẻ quấy khóc?

  • Cố gắng giữ bình tĩnh trước tiếng khóc của trẻ, việc làm này sẽ giúp bố mẹ tỉnh táo nhận ra được những mong muốn của con mình, cần dỗ dành trẻ bằng giọng nói nhẹ nhàng, âu yếm.

 

Bố mẹ hãy dỗ dành, vuốt ve để giúp trẻ lấy lại bình tĩnh khi trẻ khóc
  • Khi cảm thấy bất an, trẻ thường muốn được bố mẹ dỗ dành, vuốt ve để lấy lại bình tĩnh. Hành động vuốt ve có thể giúp trẻ bớt căng thẳng, lo lắng và cảm thấy yên tâm hơn, lúc này trẻ sẽ tự bình tĩnh trở lại và không khóc nữa. Vì vậy, bố mẹ hãy thường xuyên âu yếm trẻ bằng cách ôm trẻ vào lòng và thủ thỉ những lời yêu thương với con.
  • Có những lúc bố mẹ đã là mọi cách mà vẫn không thể dỗ trẻ nín, điều này có thể khiến bố mẹ mất bình tĩnh. Khi đó, hãy bình tĩnh đặt trẻ tại 1 nơi an toàn và đi ra chỗ khác 1 chút. Điều này giúp bố mẹ cũng như người chăm sóc trẻ sẽ bình tâm trở lại và việc dỗ trẻ sẽ đạt hiệu quả hơn sau đó.
  • Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường kèm theo thì hãy nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

 

Dựa vào tiếng khóc của trẻ mà bố mẹ có thể đoán được tình trạng của trẻ khi chưa biết nói. Hi vọng với những thông tin ngắn gọn trên đây sẽ giúp bố mẹ “gỡ rối” được phần nào trong quá trình chăm sóc trẻ.

5/5 - (1 bình chọn)