Khoảnh khắc được ngắm con chào đời là cảm giác thiêng liêng và tuyệt vời nhất đối với mỗi cặp vợ chồng. Đó là món quà mà cuộc sống này ban tặng cho chúng ta, một thiên thần nhỏ. Nhiều ông bố đã không dấu nối được cảm xúc hạnh phúc pha chút vụng về khi bế em bé vào lòng. Bài viết này, chính là những sự chia sẻ về cảm xúc cũng như kinh nghiệm cần có, khi chăm sóc trẻ sơ sinh cho những cặp vợ chồng trẻ lần đầu là bố mẹ.
Những điều mà các bố mẹ nên quan tâm khi con chào đời
Lập kế hoạch chăm sóc theo dõi sức khỏe khi con chào đời
Hãy lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe thật tốt cho con bạn. Ghi nhớ những mốc thời gian cần phải tiêm chủng ngừa kể từ lúc con chào đời cho đến đến tuổi thiếu niên. Hãy tham khảo biểu đồ chủng ngừa và sắp xếp thời gian để đưa bé đi chích những mũi chủng ngừa cần thiết. Ngoài ra bạn cũng nên suy nghĩ về một gói bảo hiểm sức khỏe riêng cho con bạn, hoặc là đăng ký thêm tên bé vào kế hoạch bảo hiểm của gia đình.
Cân nặng của trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên khi con chào đời
Theo các chuyên gia cho biết hầu hết trẻ sơ sinh giảm khoảng 10% trọng lượng ban đầu trong ba đến bốn ngày đầu tiên sau sinh và thường lấy lại được cân nặng ban đầu sau 7 ngày. Sau khi tăng cân trở lại, trẻ 1 tuần tuổi tăng cân rất nhanh, khoảng 0,1 đến 0,2kg mỗi tuần trong vài tháng đầu.
Trẻ 1 tuần tuổi cũng cần tái khám với bác sĩ đầu tiên của họ, thường là vài ngày sau khi được xuất viện. Đến khám, bác sĩ sẽ đo chu vi đầu bé, đây là kỹ thuật rất quan trọng giúp bác sĩ biết điều gì đang xảy ra với sự phát triển não bộ của bé.
Khi được 1 tuần tuổi, hộp sọ bé vẫn đang phát triển và các khớp sọ đang hợp nhất với nhau. Trung bình, chu vi vòng đầu của bé gái 1 tuần tuổi sẽ ở khoảng 35cm và với bé trai hơn bé gái khoảng 1cm.
Sữa mẹ
Sữa mẹ là dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết như: đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển của cơ thể trẻ. Đồng thời, sữa mẹ có nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Bú sữa mẹ trẻ sẽ lớn nhanh, phòng chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng, phòng suy dinh dưỡng.
Nếu mẹ gặp phải tình trạng ít sữa, không đủ để cung cấp cho nhu cầu của bé mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt. Việc cho trẻ bú sớm giúp tăng phản xạ tìm đến ti mẹ khi trẻ đói, từ đó kích thích sữa mẹ tiết ra sớm và nhiều hơn.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi
Khi được 1 tuần tuổi, bé luôn cố gắng thích nghi với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Bố mẹ nên tiếp xúc da với da với bé nhiều hơn để bé dần thích nghi hơn với môi trường bên ngoài bụng mẹ này hơn.
Một điều rất quan trọng ở trẻ sơ sinh là kiểu thở, khi được 1 tuần tuổi nhịp thở của bé sẽ không đều. Điều này có thể sẽ khiến bố mẹ lo lắng khi chứng kiến xảy ra lần đầu tiên nhưng hơi thở không đều ở trẻ sơ sinh là triệu chứng bình thường, đặc biệt là trong khi ngủ. Tất nhiên, bố mẹ cũng phải luôn theo dõi trẻ thở.
Tuần này trẻ sẽ có các cử động như trẻ di chuyển cả tay và chân đồng thời, ngẩng cao đầu khi nằm sấp. Nhìn chằm chằm vào các vật ở gần mặt và cách xa khoảng 12 đến 15inch. Đó là khoảng cách của một em bé bú mẹ nhìn vào mặt mẹ. Các bé cũng có thể nhìn thấy các mẫu đơn giản, độ tương phản cao tại thời điểm này, nhưng tầm nhìn của trẻ sẽ nhanh chóng mở rộng trong vài tháng tới. Ngoài ra, trẻ cũng có thể phản ứng với những tiếng động lớn và theo dõi các vật thể ở trước mặt.
Khi con chào đời cần lưu ý những gì?
Giữ ấm cho trẻ
Khi con chào đời, sức đề kháng khá yếu dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản,… nếu trẻ bị lạnh. Vì nhiệt độ môi trường thường sẽ thấp hơn nhiệt độ trong cơ thể mẹ. Để cải thiện vấn đề này, mẹ nên cho bé nằm cạnh mẹ nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp mẹ có thể truyền hơi ấm qua con, vun đắp tình mẫu tử mà còn có thể quan sát và phản ứng kịp thời ngay khi con gặp các vấn đề không mong muốn. Bên cạnh đó mẹ cũng nên chuẩn bị đầy đủ quần áo, mũ, bao tay, bao chân,.. để giữ ấm cho trẻ.
Cho trẻ bú đầy đủ và đúng cách
Trong những ngày còn nằm trong bụng mẹ, trẻ liên tục được cung cấp chất dinh dưỡng qua nhau thai. Vì vậy khi con chào đời, nếu không được bú đầy đủ trẻ rất dễ bị đói.
Mẹ cần cho trẻ bú đúng cách tránh trường hợp trẻ bị trớ, ọc sữa có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Mẹ nên bế bé ở tư thế thoải mái nhất, dùng một tay để giữ bé, tay còn lại để nâng vú để trẻ dễ bú hơn. Sau khi bé ăn no, tuyệt đối không nên đặt bé nằm ngay, hãy bế đứng và vỗ nhẹ vào lưng con. Khi đặt bé ngủ, hãy cho bé nằm cao đầu hơn so với phần thân để hạn chế trường hợp con bị trớ.
Vệ sinh cuống rốn cho trẻ sơ sinh
Cuống rốn của trẻ sơ sinh nếu không được vệ sinh đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bản chất của cuống rốn lúc này là một vết thương hở nên cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày để rốn khô thoáng và rụng nhanh hơn. Tuyệt đối không bôi bất cứ thuốc gì lên rốn của trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra trong quá trình tắm hãy chú ý khu vực rốn cho bé, cần rửa sạch sữa tắm nếu dính vào rốn, lau khô rốn sau khi tắm xong. Cha mẹ không nên băng kín vùng rốn của trẻ vì sẽ dễ khiến rốn bị ướt, mất vệ sinh và nhiễm khuẩn. Khi thay băng rốn cho con cần quan sát xem rốn có bị chảy máu, bị mụn mủ, chảy dịch, sưng đỏ, rỉ nước, có mùi hôi tanh không… Nếu có bất cứ hiện tượng bất thường nào, hãy cho trẻ đi khám ngay, tuyệt đối không được chủ quan hay tự ý điều trị theo các mẹo dân gian sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Thông thường khoảng 5 – 7 ngày sau sinh cuống rốn bé sẽ tự rụng, mẹ chỉ cần chú ý giữ vùng da này khô thoáng, sạch sẽ. Sau khoảng 2 tuần thì vết thương đó lành hẳn khi đó bạn mới có thể yên tâm được.
Mẹ có thể tham khảo cách băng rốn cho trẻ tại đây.
Tắm cho con để con luôn sạch sẽ
Trong những ngày đầu, mẹ nên để những người đã có kinh nghiệm tắm cho trẻ, bởi nếu các mẹ chưa từng tắm cho trẻ con lần nào sẽ không biết cách bế tắm phù hợp, đồng thời các thao tác thực hiện lâu hơn con dễ bị cảm lạnh.
Tuyệt đối không được tắm cho trẻ bằng nước lạnh cho dù thời tiết rất nóng và không nên tắm cho trẻ quá lâu. Khi tắm cho trẻ hãy tắt quạt, tắt điều hòa và tắm ở phòng kín gió. Trước khi tắm, mẹ nên chuẩn bị tã lót, quần áo để con mặc ngay sau khi lau khô người, tránh để trẻ tiếp xúc với nước quá lâu có thể dễ bị sổ mũi, ốm sốt… Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần lưu ý trong việc vệ sinh tai, mắt, mũi, lưỡi cho con hàng ngày bằng các sản phẩm an toàn để con yêu luôn được thoải mái, sạch sẽ, hạn chế sự tấn công của vi khuẩn gây hại.
Mẹ có thể tham khảo các sản phẩm tắm cho trẻ tại đây nhé.
Trên đây là những điều mà các bố mẹ trẻ nên quan tâm và chú ý trong tuần đầu của trẻ. Chúc các bạn có những giây phút bên thiên thần vừa chào đời và gia đình thật hạnh phúc.