Thai nhi ở tháng thứ 6 sẽ mọc lông mày, lông mi và bộ xương dần trở nên cứng cáp. Mẹ chỉ cần không gây áp lực lên bụng thì có thể nhẹ nhàng trải qua giai đoạn ổn định này. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian mẹ dễ mắc phải các triệu chứng như phù chân, táo bón…
Thai nhi ở tháng thứ 6 sẽ có sự thay đổi, hoàn thiện hơn về xương cũng như các hình dạng khác. Trong thời gian này, những triệu chứng khác sẽ xuất hiện. Mẹ bầu cũng nên lưu ý về thực phẩm dinh dưỡng chứa DHA khi mang thai tháng thứ 6 để cung cấp đủ chất cho thai nhi.
Mang thai tháng thứ 6 – Giai đoạn giữa thai kỳ
Sự phát triển của thai nhi ở tháng thứ 6
Tuần 21
Lông mày, mí mắt của bé cũng bắt đầu xuất hiện, các tế bào thần kinh đã phát triển chuyên biệt cho 5 xúc giác: nhìn, sờ, nếm, ngửi, nghe. Hệ bài tiết cũng hoàn thiện hơn.
Tuần 22
Tuần 22, hệ thống tiêu hóa của thai nhi đang phát triển mạnh mẽ giúp thai nhi có khả năng nuốt nước ối. Thai nhi có lớp lông tơ khá tốt trên cơ thể và các nếp nhăn trên da, nếp nhăn này sẽ giảm dần ở các giai đoạn sau này.
Tuần 23
Tai của thai nhi gần như đã phát triển hoàn thiện. Mạch máu trong phổi của thai nhi cũng phát triển để chuẩn bị cho quá trình hô hấp ở thế giới bên ngoài khi kết thúc thai kỳ. Mẹ cũng cần lưu ý những chỉ số đo phát triển của thai nhi.
Tuần 24
Thời điểm này, thai nhi có chiều dài khoảng 30cm, trọng lượng khoảng 600gr, cơ thể vẫn còn khá nhỏ, đầu to hơn so với thân mình. Não bộ và các nụ vị giác của thai nhi cũng phát triển nhanh chóng, phổi cũng đang hình thành các nhánh của cơ quan hô hấp. Da bé vẫn còn rất mỏng và nhạt màu.
Những thay đổi trong cơ thể mẹ trong giai đoạn thai kỳ tháng thứ 6
Tuần 21
Trong giai đoạn này, mẹ sẽ thường xuyên cảm giác được các cử động của thai (thai máy).
Do thay đổi nội tiết nên da của mẹ có thể bị đổi màu ở vùng mặt, vùng bụng, vùng cổ. Mẹ cũng sẽ bị ngứa vùng bụng dưới, dịch âm đạo nhiều hơn, Có nhiều mẹ rơi vào tình trạng giãn tĩnh mạch, khi em bé phát triển, áp lực tăng lên đối với các tĩnh mạch ở chân của mẹ, cùng nồng độ Progesterone tăng cao nên vấn đề chuột rút xảy ra với tần suất cao hơn.
Tuần 22
Các vết rạn da trên bụng bắt đầu xuất hiện do thai nhi đang không ngừng phát triển, những vết rạn này thường có màu sắc khác nhau từ hồng tới nâu đậm. Bình thường chúng xuất hiện trên bụng, còn có thể xuất hiện trên mông, đùi, hông và ngực. Đồng thời, núm vú lớn hơn, sẫm hơn, mặt và lưng có thể xuất hiện mụn, bàn chân mẹ tăng một nửa cỡ giày trở lên.
Tuần 23
Mắt cá chân và bàn chân bắt đầu sưng lên đôi chút, tốc độ lưu thông máu có phần chậm chạp ở chân, cùng với những biến đổi trong máu có thể gây ra tình trạng tích nước, đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc sưng hay còn được gọi là phù nề. Ở tháng thứ 6 mẹ cũng xuất hiện rải rác những cơn đau lưng.
Tuần 24
Phần trên tử cung đã nhô cao quá rốn, kích thước tử cung khoảng 21cm lúc này khá lớn, hầu hết từ giai đoạn này các mẹ đều bị táo bón vì vậy mẹ bầu nên bổ sung thức ăn có chất xơ để giảm chứng táo bón và không quên các vitamin thiết yếu như vitamin A, vitamin C, vitamin D… Mẹ nên cân bằng bữa ăn khi mang thai để mẹ khoẻ con thông minh.
Đây là thời kỳ ổn định trong thai kỳ, mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn các giai đoạn trước, chỉ cần chú ý không gây áp lực lên bụng thì mẹ có thể làm những điều mình thích. Mẹ nên vui vẻ, lạc quan, tránh lo âu, phiền muộn, hãy bắt đầu massage núm vú để cùng bé yêu bắt đầu hành trình giai đoạn thai kỳ: Tháng thứ 7.