Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Khi ngủ đủ giấc tinh thần trẻ luôn phấn khởi, hoạt bát, giúp trẻ tăng trưởng thể chất tốt hơn đặc biệt là chiều cao vì trong thời gian ngủ của trẻ, hormone tăng trưởng (GH) được tiết ra nhiều kích thích sự phát triển của trẻ.
Khi trẻ không ngủ đủ, trẻ có thể rất khó khăn để trải qua một ngày. Và để thích nghi với môi trường mới, thông thường trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc và thức dậy nhiều lần trong vài giờ, việc hiểu rõ về giấc ngủ của trẻ sẽ giúp bố mẹ chăm sóc trẻ tốt cũng như có những phương pháp giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Lợi ích khi trẻ sơ sinh ngủ đủ giấc
Ở giai đoạn sơ sinh giấc ngủ xuyên suốt và đủ rất có lợi cho bé. Khi ngủ đủ giấc bé có nhiều năng lượng vận động hơn cho một ngày, hành vi và cảm xúc tích cực hơn, bên cạnh đó việc ngủ đủ giấc còn giúp bé phát triển về trí não, hệ cơ xương khớp khi trưởng thành.
Trẻ ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày ?
Từ lúc mới sinh đến khi lên 2 tuổi, các trẻ hầu hết ngủ nhiều hơn thức. Tuy nhiên, mỗi trẻ lại có 1 nhu cầu ngủ khác nhau.
Có nhiều bố mẹ vẫn thường thắc mắc nếu trẻ ngủ nhiều liệu có tốt không? Và việc trẻ ngủ quá ít thì ảnh hưởng như thế nào. Nếu bé ngủ nhiều trong giai đoạn được khuyến cáo thì rất tốt cho bé và ngược lại. Vì vậy, việc nhận biết và đáp ứng với nhu cầu của từng trẻ, đồng thời điều chỉnh lại thói quen ngủ tốt và khỏe mạnh ở trẻ là một điều quan trọng mà bố mẹ nên học hỏi, để không phải lo lắng về việc con có ngủ đủ hay không, cách giúp con có giấc ngủ tốt?
Dưới đây là thời gian trung bình mà trẻ ngủ trong 1 ngày theo từng giai đoạn bố mẹ có thể tham khảo:
Trong những tuần đầu tiên sau khi sinh, trẻ thường không thể thức nhiều hơn 2 giờ mỗi lần. Nếu thức quá thời gian này, trẻ có thể quá mệt, cáu gắt và khó đi vào giấc ngủ hơn. Do đó, mẹ hãy tham khảo một số dấu hiệu nhận biết trẻ đang buồn ngủ để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngủ của trẻ như thấy trẻ lấy tay dụi mắt, dụi tai; ngáp; nhìn “xa xăm”, không còn hứng thú với mọi thứ xung quanh; trẻ có thể quấy khóc, làm nũng hoặc trở lên im lặng….
Tạo thói quen tốt cho giấc ngủ của trẻ
Trẻ sơ sinh thường chưa ý thức được giờ giấc, chưa phân biệt được ngày đêm. Vì thế mà có những trẻ thức vào ban đêm và ngủ vào ban ngày, có thể gây xáo trộn sinh hoạt của mọi người trong gia đình. Trong tháng đầu tiên, rất khó để mẹ có thể thay đổi thói quen ngủ này của trẻ. Nhưng mẹ có thể thay đổi dần dần thói quen này ở trẻ bằng cách giúp trẻ phân biệt sự khác nhau giữa ngày và đêm:
Vào ban ngày khi trẻ thức, mẹ hãy:
- Tạo không gian phòng ngủ thoáng đãng, sáng sủa, làm vệ sinh, thay đồ cho trẻ, giúp trẻ hiểu rằng đang bắt đầu ngày mới.
- Để trẻ nghe được âm thanh của cuộc sống bên ngoài: tiếng ti vi, tiếng mọi người nói chuyện, tiếng nhạc….
- Trò chuyện, chơi đùa, tương tác nhiều với trẻ
Vào ban đêm:
- Cho trẻ lên giường vào giờ cố định mỗi ngày
- Tránh nói chuyện, tương tác nhiều với trẻ khi cho bú
- Giảm ánh sáng phòng ngủ, tạo không gian yên tĩnh
- Ôm ấp, vỗ về trẻ, hát nhỏ cho trẻ nghe những bài hát ru êm dịu
Luyện cho trẻ thói quen tự ngủ: khi trẻ được khoảng 6-8 tuần tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho trẻ tự mình đi ngủ bằng cách đặt trẻ xuống giường mỗi khi thấy trẻ buồn ngủ nhưng vẫn còn đang thức.
Để trẻ đi vào giấc ngủ dễ hơn thì mẹ hãy lặp lại chu trình ăn, ngủ, chơi của trẻ theo trình tự giống nhau mỗi ngày. Một chu trình nhất quán như vậy sẽ giúp trẻ thiết lập được giấc ngủ của mình.
Giữ an toàn cho trẻ khi ngủ
Các chuyên gia khuyên mẹ nên đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ. Việc nằm sấp khi ngủ có nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở, gây đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Đồng thời, mẹ nên cẩn thận với những đồ vật được đặt trong nôi hoặc trên giường gần nơi trẻ ngủ (thú nhồi bông, chăn bông, gối ôm, gối chặn ….) bởi chúng đều có thể làm cản trở đường thở của trẻ.
Đệm ngủ của trẻ cần có độ phẳng, không quá mềm lún, vừa vặn với nôi để tránh nguy cơ trẻ lọt vào khe hở.
Không mặc quá nhiều lớp hay ủ ấm trẻ quá mức. Vì nếu cơ thể trẻ quá nóng có thể gia tăng nguy cơ đột tử sơ sinh.
Trên đây là những thông tin bổ ích về giấc ngủ của trẻ trong những tháng đầu đời. Hi vọng sẽ giúp được bố mẹ phần nào trong quá trình nuôi con của mình.