Việc nắm rõ được sự phát triển của trẻ nhũ nhi qua từng tháng tuổi sẽ giúp ích cho mẹ rất nhiều trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ trong năm đầu đời.
Thế nhưng phải bắt đầu làm gì, tìm hiểu từ đâu lại là những câu hỏi tương đối khó khăn với ba mẹ, đặc biệt là những ba mẹ nuôi con lần đầu.
Hãy cùng BebéCare tham khảo những thông tin bổ ích dưới đây, ba mẹ nhé!
Các giai đoạn phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên
Khi trẻ mới chào đời
Trẻ mới sinh dù còn rất non nớt nhưng bản thân trẻ đã có những bản năng sinh tồn tự nhiên và phản xạ cơ bản của cơ thể. Những bản năng này sẽ dần được hoàn thiện khi trẻ mỗi ngày một lớn lên, giúp trẻ dần hình thành được những cách tự bảo vệ bản thân, khóc đòi ăn khi thấy đói. Vì vậy các mẹ có thể yên tâm và không nên lúc nào cũng lo lắng xem liệu em bé nhà mình có đang bị đói hay không nhé!
Trẻ 1 tháng tuổi
Đừng lo lắng nếu trẻ không nhìn thẳng vào mắt mẹ vì các trẻ 1 tuần tuổi thường có xu hướng nhìn vào lông mày, đường viền tóc hay cử động môi của mẹ. Ngay khi trẻ quen với mẹ trong tháng đầu tiên, trẻ sẽ thích thú với việc trao đổi ánh mắt. Trẻ sơ sinh thích nhìn khuôn mặt người hơn là các hình dạng hay màu sắc khác. Tiếp theo những thứ trẻ quan tâm là vật thể sáng, chuyển động, độ tương phản cao hay đen trắng…
Trẻ 2 tháng tuổi
Khi 2 tháng tuổi, trẻ cứng cáp hơn nhiều so với lúc mới sinh, trẻ cũng bắt đầu biết cách phản ứng lại với những tác động từ bên ngoài vì lúc này trí não của trẻ đang phát triển mạnh mẽ. Ba mẹ có thể cho trẻ chơi các trò chơi nhiều màu sắc với đa dạng các loại chất liệu và hình dạng để tập thị giác, xúc giác, nói chuyện cho trẻ nghe để phát triển khả năng ngôn ngữ. Bước sang tháng thứ 2, trẻ đã có thể phát ra âm thanh trong miệng khi cười, nhiều lúc còn tạo ra âm thanh vui nhộn và phấn khích, đá chân khua tay liên tục.
Trẻ 3 tháng tuổi
Ở khoảng 3 tháng tuổi, trẻ đã cứng cổ dần, dù bế đứng thì đầu trẻ cũng không còn bị lắc lư như trước nữa. Lúc này, có nhiều trẻ đã biết lẫy, tuy nhiên nhiều trẻ lại không tuân theo quy luật này, ba mẹ cũng đừng quá lo lắng nếu trẻ chưa lẫy được nhé. Hãy luyện tập cho trẻ bằng cách bắt đầu cho trẻ nằm sấp để cổ, cơ tay của trẻ cứng cáp hơn.
Cũng ở độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu nhận thức được người thân quen với mình, vì thế ba mẹ đừng quên thể hiện tình cảm với trẻ bằng những cái ôm, những nụ hôn ấm áp để trẻ cảm nhận được tình yêu thương mà ba mẹ dành cho trẻ nhé!
Trẻ 4 tháng tuổi
Vào thời điểm trẻ 4 tháng tuổi, giấc ngủ của trẻ có thể sẽ thay đổi so với giai đoạn trước một chút đó là trẻ sẽ ngủ giấc dài hơn. Có sự thay đổi này là do dạ dày của con đã lớn hơn trước, vì thế mỗi lần ăn của con sẽ nhiều hơn nên sẽ ngủ được lâu hơn mà không bị đói.
Em bé của bạn đang trở thành một “công dân” nhỏ tuổi ở tháng thứ 4 và sẽ làm bạn ngạc nhiên bằng những tính cách rất riêng của mình. Bạn sẽ nhận ra trẻ có nét gì giông giống với tính cách của ai đó mà bạn rất quen, có thể là của chính bạn hay là bố của trẻ, giống như là một bản sao thu nhỏ vậy. Nhưng cũng có khi trẻ lại có tính tình khác hẳn, không giống ai trong gia đình, đôi lúc khiến bạn không thể hiểu nổi.
Trẻ 5 tháng tuổi
5 tháng tuổi trẻ có thể bắt đầu lật để nằm sấp. Khi trẻ lăn, ba mẹ có thể nhận thấy trẻ vận động chân và bập bênh. Chỉ vài tháng nữa là trẻ đã sẵn sàng bò và vận động nhanh! Nhưng hãy nhớ, khi trẻ chuẩn bị lật, không bao giờ để trẻ một mình trên giường hoặc bề mặt cao khác, vì trẻ có thể lật, té xuống và bị thương.
Khả năng nắm bắt của trẻ đang mạnh mẽ hơn. Trẻ có thể kéo các vật lại gần hơn, nhặt chúng lên trong lòng bàn tay của mình, sau đó chuyển từ tay này sang tay khác. Trẻ có thể giữ chai nhựa hoặc một cái ly nhỏ trong tay mình.
Trẻ 6 tháng tuổi
Giai đoạn này, trẻ đã có thể ngồi ở tư thế hai tay đặt phía trước để nâng đỡ cơ thể. Lúc đầu trẻ ngồi chưa vững và chỉ có thể ngồi trong khoảng thời gian ngắn nhưng dần dần cột sống của trẻ sẽ kéo dài ra và các cơ cũng phát triển. Khoảng 1 tháng sau thì trẻ có thể ngồi mà không cần dùng hai tay để đỡ cơ thể.
Đây là giai đoạn tay chân trẻ có thể vận động thoải mái. Mắt và tay trẻ cùng phối hợp với nhau để nắm bắt được những vật đang chuyển động. Trẻ có thể chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia. Mẹ hãy khuyến khích trẻ vận động bằng cách đặt món đồ chơi khỏi tầm với của trẻ một chút rồi khuyến khích trẻ tự với tới. Lưu ý là trẻ thường “ăn tất cả mọi thứ vớ được”, vì thế bạn phải thật cẩn thận khi chọn đồ chơi. Nên chọn những món có kích thước lớn để tránh trẻ nuốt phải.
Trẻ 7 tháng tuổi
Khi được 7 tháng tuổi, trẻ đã có thể biết cầm chặt các đồ vật. Mẹ nên đặt đồ vật ở khắp nơi để khuyến khích khả năng vận động cho trẻ.
Từ chơi một mình thành chơi cùng với ba mẹ. Trẻ bắt chước hành động của ba mẹ, khi ba mẹ vẫy tay bai bai thì trẻ cũng vẫy tay giống như vậy.
Trẻ 8 tháng tuổi
Nếu con đủ cứng cáp và được ba mẹ khuyến khích phát triển kĩ năng đúng cách thì con đã bắt đầu tập bò. Có thể con bò chưa được vững chãi nhưng việc có thể tự di chuyển theo ý muốn của mình sẽ khiến con rất hào hứng. Ba mẹ nên đảm bảo an toàn cho con khi con tập bò bằng cách chắn các lối đi, cầu thang, vệ sinh sàn nhà sạch sẽ và không để đồ vật nguy hiểm trong tầm với của trẻ.
Trẻ 9 tháng tuổi
Nhiều trẻ 9 tháng tuổi chưa biết bò và chỉ biết cách ngồi đẩy người về phía trước để di chuyển, đó là bởi mỗi trẻ là một cá thể độc lập và sẽ có tốc độ phát triển khác nhau.
Một số bé phát triển nhanh đã có dấu hiệu tập đứng trong tháng này ví dụ như níu tay mẹ để đứng lên, muốn chân chạm vào đất khi đang được ba mẹ bế.
Trẻ 10 tháng tuổi
Trẻ rất thích bò và thường xuyên bò loanh quanh thì cơ ở hông và chân phát triển tốt và nhanh chóng đứng vịn được. Cũng có trẻ không bò mấy nhưng đột nhiên đứng vịn được hoặc mãi không định đứng, nhưng mẹ cũng không cần quá lo lắng đâu.
Trẻ 11 tháng tuổi
Trẻ có thể sử dụng bàn tay và ngón tay một cách thành thạo, khéo léo, đặc biệt là trong việc ăn uống. Giai đoạn này trẻ chuyển từ kí ức ngắn hạn thành kí ức dài hạn như việc trẻ nhớ nơi cất đồ chơi yêu thích, di chuyển đến đó và “a…a..” chỉ tay để nhờ lấy giúp.
Trẻ 12 tháng tuổi
Đa số trẻ ở tháng tuổi này chưa biết đi mà chỉ mới có thể bước men theo ghế dài hoặc giường. Mẹ có thể giúp con bằng cách cổ vũ, động viên để con có thể tự bước đi mà không cần sự hỗ trợ.
Sự tương tác tình cảm của trẻ cũng đã có nhiều tiến triển vượt trội. Trẻ đã bắt đầu biết xấu hổ, lo sợ khi gặp người lạ, khóc thét lên khi ba mẹ không ở bên hay thói quen thích bắt chước người khác vẫn tiếp tục đến giai đoạn này như uống nước khi mẹ uống hoặc biết dùng lược để chải đầu.
Các phương pháp giúp bé phát triển tốt nhất trong giai đoạn 12 tháng đầu đời
Bên cạnh khả năng tự thích ứng với những kỹ năng mới, bố mẹ cũng nên đồng hành cùng con để con phát triển tích cực hơn trong giai đoạn này.
- Tương tác thường xuyên cùng bé, trò chuyện, âu yếm bé
- Hát cho bé nghe, âm nhạc sẽ giúp bé thoải mái và phát triển trí não tốt hơn
- Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho bé trong giai đoạn này
- Tìm hiểu những trò chơi giáo dục sớm để bé nhanh nhạy hơn
- Cổ vũ động viên khi bé bắt đầu tập kỹ năng mới
- Môi trường tiếp xúc phải an toàn cho bé
- Bố mẹ nên tham khảo biểu đồ tăng trưởng của bé để chăm sóc bé tốt hơn
Trên đây chỉ là tiêu chuẩn. Vì sự phát triển ở mỗi trẻ không giống nhau nên mẹ hãy thử quan sát trong khoảng thời gian dài nhé.
Việc theo dõi trẻ trong từng mốc thời gian là khá quan trọng, giúp mẹ nhận biết được trẻ có đang phát triển thuận lợi không. Chắc hẳn đây cũng là giai đoạn vô cùng hạnh phúc trong cuộc đời mẹ khi được dõi theo từng bước phát triển đầu đời của trẻ. Mẹ hãy dõi theo con từng bước mẹ nhé!