Khi thai lớn lên trong tử cung, bạn sẽ cảm nhận được những thay đổi trong cơ thể mình. Có một số điều trước đây bạn không để ý nhưng khi mang thai sẽ phải quan tâm nhiều hơn.
Tập luyện thể thao
Khi mang thai, không bắt buộc bạn phải từ bỏ luyện tập thể thao. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tham gia một chương trình tập luyện nào đó.
Hạn chế sử dụng đồ uống chứa cafeine
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, ngưỡng an toàn của cafeine mà mỗi mẹ bầu cần tuân thủ là 200mg/ngày. Nghĩa là, các mẹ không nhất thiết phải bỏ hoàn toàn thói quen uống cafe hoặc trà nhưng sẽ tốt hơn hết mẹ bầu nên hạn chế uống chúng càng ít càng tốt.
Khắc phục vết rạn da khi đang mang thai
Khi bụng và bầu ngực to lên nhanh chóng thì trên da xuất hiện những đường màu tím đỏ. Đó gọi là rạn da. Sau khi sinh, vết rạn da không còn quá rõ nhưng cũng không hoàn toàn hết được. Để đề phòng bị rạn da, thai phụ nên chú ý kiểm soát không để bị tăng cân quá nhanh cũng như sử dụng kem dưỡng ẩm, dầu xoa của trẻ em rồi xoa lên da một cách nhẹ nhàng.
Kiểm tra và điều trị khi xuất hiện triệu chứng ngứa
Trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu thường xuyên bị ngứa do làn da trở nên rất nhạy cảm, đặc biệt ở vùng bụng, hai bầu vú, cánh tay, mông, đùi, cẳng chân và bàn chân. Do thay đổi độ pH vùng âm hộ – âm đạo cùng với khí hư tiết ra nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm sinh trưởng. Điều này gây nên chứng ngứa ngoài âm đạo. Khi bị ngứa, thai phụ không nên dùng tay gãi, tránh làm xước da, dễ gây nhiễm trùng, đồng thời cần vệ sinh da sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi khô thoáng để làm giảm bớt cảm giác khó chịu. Khi tình trạng ngứa gia tăng, thai phụ nên đi khám để có những lời khuyên phù hợp nhất.
Lưu ý khi dùng thuốc trong thời gian mang thai
Việc dùng thuốc trong thời gian mang thai cần đặc biệt thận trọng và phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế.