4 dấu hiệu cho mẹ biết trẻ sắp mọc răng

Mọc răng là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đây là mốc đánh dấu việc trẻ bước sang giai đoạn làm quen với các thực phẩm khác ngoài sữa. Khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng, nướu sưng to và đỏ có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng cao hơn bình thường, trẻ có thể sẽ khó chịu trong vài ngày. Do vậy, mẹ có thể tìm hiểu những dấu hiệu nhận biết trẻ nhà mình sắp mọc răng dưới đây để có những cách chăm sóc tốt nhất nhé.

Trẻ bắt đầu mọc răng khi nào?

Thông thường, giai đoạn từ 7 – 8 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên. Một số trẻ có thể mọc răng sớm hơn một chút khi mới khoảng 3 – 4 tháng tuổi. Nhưng cũng có những trẻ trên một tuổi mới bắt đầu mọc răng. Chiếc răng mọc đầu tiên thường là hai răng cửa dưới, tiếp đó là hai răng cửa hàm trên. Rồi lần lượt đến các răng cửa khác.

Sau một thời gian, những chiếc răng hàm xuất hiện, các răng nanh hàm trên sẽ mọc sau cùng, đa phần các trẻ sẽ có khoảng 20 răng sữa trước 3 tuổi. Do vậy, nếu trẻ trên 3 tuổi mà chưa mọc đủ răng thì cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân và cách xử trí sớm nhất có thể.

Những biểu hiện giúp mẹ nhận biết trẻ sắp mọc răng

Trẻ chảy nước dãi

Nước bọt tiết ra do cơ chế chỉ huy của hệ thống thần kinh trung ương, khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng, các tín hiệu sẽ kích thích dây thần kinh thứ 5 khiến trẻ chảy nước dãi. Do khả năng nuốt nước bọt của trẻ chưa được hoàn thiện đồng thời khoang miệng của trẻ lúc này đang còn hẹp và nông dẫn đến việc nước dãi chảy ra bên ngoài khá nhiều. Mẹ có thể đeo yếm bằng vải mỏng và mềm mại cho trẻ để thấm bớt nước dãi khi bị chảy ra ngoài quá nhiều, tránh trẻ cảm thấy không thoải mái vì bị ướt áo.

Chảy nước dãi là dấu hiệu nhận biết dễ nhất, tuy nhiên chỉ áp dụng khi trẻ còn trẻ và khi mọc những chiếc răng đầu tiên, đến khi trẻ lớn và các răng mọc đầy đủ hơn thì hiện tượng này cũng sẽ giảm dần.

Trẻ thích cắn

Một biểu hiện nữa của trẻ khi sắp mọc răng đó là trẻ thích cắn mọi thứ, bất kỳ thứ nào gần quanh trẻ thì trẻ đều muốn gặm cắn. Áp lực khi một mầm răng chuẩn bị chồi lên khỏi lợi khiến trẻ vô cùng bứt rứt, khó chịu, khi đó, trẻ sẽ tìm mọi cách để giảm thiểu sự khó chịu thông qua việc gặm cắn. Lúc này, mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ 1 -2 món đồ gặm nướu để giúp trẻ đỡ bứt rứt hơn. Đồng thời, mẹ hãy đảm bảo những món đồ này luôn được vệ sinh thường xuyên để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trẻ thường cắn bất cứ thứ gì gần quanh trẻ trong giai đoạn mọc răng

Trẻ quấy khóc

Đối với một số trẻ, mọc răng gây ra đau đớn, khó chịu nên có thể trẻ sẽ rên rỉ hoặc quấy khóc. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra với tất cả các trẻ. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ quấy khóc thì cha mẹ hãy kiên nhẫn dỗ dành, cho trẻ chơi với những đồ chơi trẻ thích để xoa dịu trẻ quên đi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Khi trẻ mọc răng có thể sốt hoặc không sốt, vì thế bố mẹ cần theo dõi nhiệt độ và thay đổi của cơ thể để nhận biết trẻ sốt do mọc răng hay sốt do nhiễm virus, vi khuẩn…

Trẻ biếng ăn

Giai đoạn mọc răng trẻ thường có biểu hiện bỏ bú hoặc chán ăn, do việc mọc răng gây khó chịu cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu mọc răng, lợi của trẻ sẽ trở nên đỏ và sưng tấy. Bố mẹ sẽ nhìn thấy ở chỗ lợi sưng to đó có điểm màu trắng trắng nhỏ bằng nửa hạt đỗ nhú lên – đó chính là răng của trẻ. Điều này khiến cho trẻ cảm thấy thực sự khó chịu và trở nên lười ăn.

Trẻ lười ăn do đang mọc răng thì sau thời gian vài ngày lợi của trẻ đỡ đau, sẽ ăn trở lại bình thường. Nếu việc bỏ bú, chán ăn xảy ra trong thời gian dài, trẻ không chịu ti mẹ hay ăn thức ăn dặm khiến sức khỏe và cân nặng của trẻ giảm sút đáng kể, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn cách xử trí và chăm sóc phù hợp.

Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng

  • Không ép trẻ ăn, thay vào đó cho trẻ bú nhiều hơn, bổ sung thêm nước ép trái cây để tăng đề kháng cho trẻ.
  • Thường xuyên vệ sinh rơ nướu bằng khăn sạch mềm, có thể nhúng nước mát rơ cho trẻ thoải mái hơn.
  • Có thể cho trẻ dùng các dụng cụ hỗ trợ nhai.
  • Nếu trẻ sốt bố mẹ lau người cho trẻ bằng nước ấm, massage nhẹ nhàng cho trẻ dễ chịu hơn. Nếu trẻ sốt cao và lâu nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám.

 

Giai đoạn trẻ mọc răng là khoảng thời gian khá khó khăn cho cả cha mẹ và trẻ. Đây là giai đoạn tất yếu mà đứa trẻ nào cũng phải trải qua trong quá trình trưởng thành. Do đó, cha mẹ nên chú ý những biểu hiện nhận biết trẻ mọc răng ở trên để có phương pháp chăm sóc trẻ hợp lý. Chúc cả gia đình sớm vượt qua những thử thách trên con đường khôn lớn của trẻ!

5/5 - (3 bình chọn)