Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện nên trẻ dễ gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy…
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ và việc khắc phục kịp thời sẽ giúp trẻ có một hệ tiêu hóa tốt, bắt kịp đà tăng trưởng.
Vậy những dấu hiệu nào cho thấy có thể trẻ đang gặp phải vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Mời ba mẹ cùng tham khảo bài viết dưới đây:
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là gì?
Rối loạn tiêu hóa chính là hiện tượng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường, điều này gây nên những cơn đau bụng và những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn ở trẻ.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài sẽ làm lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt, có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện
Khi mới sinh ra, hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa hoàn thiện cả về cấu trúc và chức năng. Cấu tạo các cơ quan tiêu hóa như miệng nhỏ, lưỡi dày, chưa có răng….phù hợp với việc bú sữa mẹ hoặc sản phẩm dinh dưỡng công thức. Hơn nữa, dạ dày của trẻ có cấu tạo nằm ngang, dung tích nhỏ, cơ đàn hồi ít nên dễ gây trào ngược…
Khi được 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng, hệ tiêu hóa hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu ăn bổ sung ở giai đoạn này. Lúc này, số lượng, cấu trúc cũng như loại thức ăn cần phù hợp với độ tuổi của trẻ. Việc chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ cũng cần chú ý, tránh ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của trẻ, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Chế độ ăn không phù hợp
Số lượng, cấu trúc cũng như loại thức ăn không phù hợp với độ tuổi của trẻ cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh khi chế biến đồ ăn cho trẻ.
Bệnh lý bẩm sinh đường tiêu hóa
Có 1 số ít các vấn đề rối loạn tiêu hóa có nguyên nhân là do các bệnh lý bẩm sinh. Sau khi đã loại trừ những nguyên nhân trên, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp.
Những dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Khi bị rối loạn tiêu hóa trẻ sẽ có một số biểu hiện như sau
Hay nôn trớ
Nôn trớ là tình trạng thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lại miệng dưới tác động gắng sức của cơ thể, thường gặp nhất là ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường gặp là: trẻ bú quá no, cữ bú gần nhau, kích thước lỗ thông ở núm ti không phù hợp, tư thế nằm bú không đúng….
Khoảng 75% trẻ gặp tình trạng nôn trớ sẽ hết khi trẻ được 1 tuổi được gọi là nôn trớ sinh lý. Để hạn chế tình trạng nôn trớ sinh lý, ba mẹ cần chú ý chia nhỏ cữ bú của trẻ, tránh cho trẻ bú quá no, cho bú đúng tư thế, vỗ ợ hơi sau bú…..
Ngoài nôn trớ sinh lý mà các trẻ nhũ nhi thường gặp thì cũng có một vài nguyên nhân khác gây ra tình trạng này như: các vấn đề bẩm sinh của đường tiêu hóa,…
Nếu như trẻ có hiện tượng nôn trớ nhiều kèm theo các triệu chứng bất thường khác thì ba mẹ hãy cho trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn phù hợp nhất.
Tiêu chảy
Đây là một biểu hiện thường gặp khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là do trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, dị ứng sữa, không dung nạp lactose, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh….
Khi bị tiêu chảy nhiều và kéo dài, trẻ dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Mẹ hãy theo dõi thường xuyên và cho con đi khám bác sĩ kịp thời.
Táo bón
Trẻ đi ngoài không thường xuyên, khi đi phân khô rắn, bụng căng cứng, khó chịu khi đi ngoài…..Từ đó khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, đau bụng, hay nôn trớ và quấy khóc.
Nguyên nhân gây táo bón có thể là do lượng chất lỏng chưa đủ, mẹ cho trẻ bú cũng bị táo bón, bé ăn ít chất xơ, không ăn rau quả…Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng có thể gây nên tình trạng táo bón ở trẻ. Nhiều trẻ mới đi học thường nhịn đi vệ sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến cho phân tích tụ lâu trong đại tràng và gây nên táo bón.
Làm gì để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa?
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Trẻ bú sữa mẹ: chế độ ăn của mẹ trong giai đoạn cho con bú cần đa dạng và đầy đủ, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Trẻ bú sản phẩm dinh dưỡng công thức: mẹ cần đảm bảo vệ sinh bằng cách rửa sạch tay và tiệt trùng dụng cụ trước khi pha sản phẩm cho trẻ, cho trẻ uống sản phẩm ngay sau khi pha,….
Với trẻ trên 6 tháng tuổi
Chế độ dinh dưỡng
- Nên cho trẻ ăn những món đã được nấu chín kĩ. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, đạm gây khó tiêu.
- Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ để trẻ có thể dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau củ quả để bổ sung chất xơ, sẽ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Tập cho trẻ ăn đúng bữa, đúng giờ.
- Chế biến thức ăn dạng mềm, dễ tiêu hóa, cấu trúc và loại thực phẩm phù hợp với trẻ
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chọn nguyên liệu và chế biến đồ ăn cho trẻ.
- Bổ sung cho trẻ các thực phẩm có lợi cho tiêu hóa như: sữa chua, các loại rau củ quả…
Ngoài chế độ ăn uống, ba mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen nhai kỹ thức ăn để giúp tiêu hóa tốt hơn. Khi nhai kỹ, thức ăn được cắt nhỏ và nhào trộn với các enzym tiêu hóa vì thế mà giúp tiêu hóa và hấp thu tốt hơn.
Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ
- Tránh cho trẻ ngậm, mút tay và đưa đồ chơi không sạch vào miệng. Rửa tay cho trẻ thường xuyên hoặc sau khi chơi đồ chơi, tiếp xúc với động vật, đi vệ sinh…Người lớn hay tiếp xúc với trẻ thì cần giữ vệ sinh sạch sẽ.
- Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh vào giờ nhất định.
Trẻ vận động nhiều hơn như tập thể dục, chơi thể thao cũng giúp trẻ tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, không nên cho trẻ vận động ngay sau khi ăn tránh đau bụng.
hoặc sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa
Với bất kỳ loại thuốc hoặc sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa nào như men tiêu hóa, men vi sinh,… để đảm bảo an toàn và có hiệu quả, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng cho trẻ. Tránh tùy tiện dùng thuốc bởi có thể gây ra những tác dụng phụ, có hại cho cơ thể non nớt của trẻ.
Bài viết trên đây là những bật mí các cách hay cho mẹ để phòng tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Chúc các mẹ áp dụng thành công và hiệu quả!