Tình trạng biếng ăn của trẻ luôn là một vấn đề gây đau đầu đối với các bà các mẹ. Tình trạng biếng ăn kéo dài có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển về thể chất và tư duy của trẻ rất nhiều. Vậy nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn là gì? Làm cách nào để cải thiện tình trạng này?
Hãy cùng BebéCare tìm hiểu những thông tin dưới đây để giúp trẻ ăn ngon miệng mỗi ngày, mẹ nhé!
Khi nào trẻ được coi là biếng ăn?
Biếng ăn là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em, gặp ở tất cả các lứa tuổi. Biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau. Dưới đây là 1 số biểu hiện điển hình mẹ có thể tham khảo:
- Lượng trẻ ăn ít hơn bình thường
- Trẻ thường ngậm thức ăn trong miệng lâu mà không nuốt, thời gian bữa ăn kéo dài trên 30 phút
- Không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, sữa hay nhiều loại đồ ăn khác
- Trẻ có tâm lý trốn tránh, sợ hãi khi tới bữa ăn
Một số nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn
Thực tế nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn rất đa dạng. Để khắc phục hiệu quả tình trạng này, các mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây nên:
Biếng ăn sinh lý
Là tình trạng trẻ đột ngột lười ăn hoặc ăn ít hơn so với thường ngày. Thường kéo dài từ vài ngày đến 1, 2 tuần.
Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ khi bước vào các giai đoạn phát triển khác nhau của cơ thể như: trẻ mọc răng, tập đi, tập nói…
Biếng ăn sinh lý thường diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, hầu hết không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ rất khó để khắc phục.
Biếng ăn tâm lý
- Một số trẻ có biểu hiện trốn tránh, sợ hãi khi đến bữa ăn có thể do đã bị ba mẹ quát mắng, ép ăn trước đó.
- Việc thay đổi môi trường cũng có thể khiến trẻ biếng ăn: những ngày đầu trẻ đi lớp, mẹ đi làm nhờ ông bà trông…
Biếng ăn bệnh lý
Khi có những khó chịu trong người như trẻ ốm, rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn hay do dùng kháng sinh dài ngày cũng đều có thể làm mất đi cảm giác ngon miệng và thèm ăn, từ đó gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Do những thói quen không tốt
Nhiều gia đình cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại – dần dần hình thành thói quen ăn không tốt. Bởi việc này sẽ khiến trẻ ăn uống một cách thụ động, không tập trung vào bữa ăn, cơ thể không kích thích hệ tiêu hóa sản sinh ra các enzyme giúp tiêu hóa thức ăn, vì thế mà trẻ không có cảm giác thèm ăn.
Do thực đơn dinh dưỡng nhàm chán
Trẻ nhỏ luôn thích sự đa dạng và mới lạ, vì vậy mẹ nên thay đổi nhiều loại thực phẩm và cách chế biến khác nhau khi xây dựng thực đơn giàu chất dinh dưỡng cho trẻ.
Điều này sẽ làm cho món ăn thơm ngon, kích thích vị giác giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Ba mẹ cần lưu ý hạn chế cho trẻ ăn một món lặp lại trong nhiều ngày vì điều này ảnh hưởng đến khẩu vị và làm trẻ trở nên biếng ăn.
Mẹ nên làm gì để hạn chế biếng ăn
- Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm, khi tròn 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn.
- Hạn chế tối đa sự mất tập trung khi cho trẻ ăn, không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, chơi game hay bế đi rong.
- Thay đổi thực đơn cho trẻ hàng ngày, cho trẻ ăn nhiều món ăn khác nhau. Thường xuyên nấu các món yêu thích của trẻ.
- Cho trẻ ăn vừa đủ số lượng và số bữa phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Khẩu phần của trẻ cần phù hợp với độ tuổi. Tránh cho trẻ ăn quá no khiến trẻ khó chịu dẫn đến sợ ăn.
- Trang trí, chuẩn bị món ăn thật đẹp, hấp dẫn. Ví dụ như bát và thìa cho trẻ ăn có nhiều hình thù khác nhau giúp trẻ hứng thú khi ăn.
- Ba mẹ không nên gây áp lực trong lúc trẻ ăn. Điều này sẽ ám ảnh cho trẻ mỗi khi ăn, làm trẻ không hấp thụ được dưỡng chất.
Hậu quả khi trẻ biếng ăn lâu ngày
Khi trẻ biếng ăn dài ngày dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, thiếu dưỡng chất, vitamin cần thiết cho cơ thể phát triển. Ảnh hưởng đến trí não cũng như thể chất của trẻ, trẻ biếng ăn dễ bị bệnh vặt cơ thể mệt mỏi và càng bệnh bé lại càng không muốn ăn sẽ làm cho tình trạng cơ thể ngày càng sa sút hơn.
Trên đây là những chia sẻ về vấn đề biếng ăn ở trẻ và một số lưu ý giúp trẻ ăn ngon miệng, hấp thu tốt dinh dưỡng để phát triển. Hy vọng bài viết đã đem lại nhiều thông tin hữu ích cho các mẹ.